Căn cứ Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 19/12/2023 của UBND huyện Phú Vang về Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Phú Vang; Nghị quyết số 89/NQ/ĐU ngày 22/12/2024 của Đảng uỷ xã Vinh Hà về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 29 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân xã Vinh Hà về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ủy ban nhân dân xã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn xã Vinh Hà, như sau:
I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu chung: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; Hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của người dân. Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với việc làm bền vững, huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo.
2. Chỉ tiêu
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 5,2% xuống còn 3,5% (tương đương giảm 46 hộ) vào cuối năm 2024.
- Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
- Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo; hộ cận được cấp thẻ BHYT miễn phí.
- 100% học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các chính sách khác về giáo dục theo quy định.
- Đảm bảo 98% hộ nghèo, người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo.
- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo, thôn trưởng các thôn và cán bộ đoàn thể được tập huấn về: Kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; thoát cận nghèo; ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.
2. Phạm vi: Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn xã.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của người đứng đầu các chi bộ và các cơ quan, đơn vị, các thôn liên quan trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
- Ban chỉ đạo giảm nghèo xã, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bí thư chi bộ thôn, thôn trưởng các thôn xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với từng hộ gia đình thuộc đối tượng giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tiễn để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thực hiện sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí Đảng ủy viên, thành viên BCĐ phụ trách địa bàn theo dõi, chỉ đạo, phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, lấy mức độ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm làm tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu chi bộ, cán bộ chuyên môn, mặt trận và các ban ngành đoàn thể, thôn trưởng các thôn.
- Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo bền vững; Triển khai có hiệu quả các nguồn quỹ hỗ trợ của các đoàn thể trong việc cho vay hỗ trợ đoàn viên, hội viên giảm nghèo; Đồng thời, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động để huy động nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững; thực hiện thường xuyên các hoạt động truyền thông, chú trọng công tác truyền thông dựa vào cộng đồng, phát huy vai trò gương điển hình, hộ tiên phong về giảm nghèo, tự vươn lên thoát nghèo.
- Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là vai trò của người có uy tín ở địa địa bàn dân cư trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân, giúp cho hộ nghèo nhận thức được thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình; Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững, nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, BCĐGNBV xã và cơ chế điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:
- Tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững, phân công nhiệm vụ và địa bàn phụ trách cụ thể để chỉ đạo, điều hành công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Giao trách nhiệm cho các ban ngành đoàn thể phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thực hiện các chương trình giảm nghèo.
- Phát huy mạnh mẽ vai trò chỉ đạo, điều hành, quản lý của của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững đảm bảo thống nhất, đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, tham mưu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đáp ứng yêu cầu.
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo xã đến thôn.
4. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo:
- Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững, thôn trưởng các thôn xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; phân công cụ thể nhiệm vụ để chủ động lập kế hoạch, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện.
- Triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo; chú trọng lồng ghép, ưu tiên thực hiện các dự án có tính liên kết chuỗi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn.
5. Huy động nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững: Tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động giúp đỡ người nghèo do các ban ngành, đoàn thể và các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong xã hội phát động; nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa giúp đỡ người nghèo.
6. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hộ nghèo; tổ chức đào tạo, tập huấn; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo bền vững:
- Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ hộ nghèo, hộ cận nghèo hợp lý, khoa học. Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã giúp thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch và giảm nghèo theo địa chỉ.
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, nhất là cấp thôn; tổ chức tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổng hợp báo cáo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Phân công cụ thể thành viên BCĐGNBV theo dõi, phụ trách để chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng; Tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng người dân tham gia thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công tác giảm nghèo.
Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể điển hình, gương mẫu trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.